Chuột Đồng Miệt Vườn

Cung cấp số lượng lớn Chuột đồng Miền Tây

Category Archives: Cách diệt chuột

Làng “săn” chuột Canh Nậu

Chẳng biết từ bao giờ, vùng đất cổ Canh Nậu, huyện Thạch Thất đã tồn tại một nghề vừa bảo vệ mùa màng, vừa là “cần câu cơm” của nhiều gia đình – là nghề “săn” chuột. Cũng không ở nơi nào, thịt chuột lại trở thành món ăn “khoái khẩu” trong bữa cơm, bữa nhậu của nhiều người dân đến vậy.

Cả làng đi “săn” chuột

Nói về nghề “săn” chuột quê mình, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu Nguyễn Đức Tài cho biết: Xưa kia Canh Nậu chỉ có nghề làm ruộng nhưng hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện, mùa mưa đồng ruộng thường xuyên bị ngập úng, chỉ cấy được một vụ lúa. Thời gian nông nhàn, dân làng tổ chức hội hè, săn bắt cá, chuột kiếm sống. Khi đó, vào mùa mưa, các hang chuột đều bị ngập nước, chuột đồng lũ lượt kéo nhau lên các mô đất cao để ở. Lúc này thì dân làng chỉ việc quây rơm, đốt trụi cả gò đất nổi và sau đó đi lượm chuột thui. Sau này, người Canh Nậu bắt chuột quanh năm, nhưng “xôm” nhất là vào độ tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch). Đây cũng là lúc vụ mùa mới thu hoạch xong, chuột mẹ, chuột con béo tròn nung núc.

Thịt chuột được chế biến thành món ăn khoái khẩu ở xã Canh Nậu.

Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Đăng Soạn dẫn chúng tôi đi một vòng thăm những gia đình thường xuyên có người đi “săn” chuột. Họ đều không có nhà. “Có lẽ họ đã đi “săn” chuột cả rồi. Ở Canh Nậu có người coi bắt chuột là nghề kiếm sống. Hằng ngày họ đi khắp cánh đồng có khi đi xa nhà hàng chục cây số để “săn” chuột về bán. Nhưng cũng có người “săn” chuột chỉ để thỏa cái thú ham” – ông Soạn cho biết. Nằm ở đội 4, nhà anh Đỗ Đăng Thư có nghề làm mộc và cho thuê phông bạt, bát đũa. Công việc nhiều, song sau những ngày lao động mệt mỏi, những ngày mất điện không sản xuất được anh lại cùng anh em trong xóm đi “săn” chuột. Anh Thư cho biết: “Có ngày tôi bắt được cả yến chuột, về thịt ăn không hết đem chia bớt cho hàng xóm; nhưng cũng có ngày chẳng bắt được con nào. Cái thú “săn” chuột thành thói quen rồi, lâu lâu không vác cuốc đi bắt chuột là chân tay ngứa ngáy”.

Theo chân các trai làng đi “săn” chuột, chúng tôi được giới thiệu qua về quy trình. Bắt đầu là đồ nghề để “săn”. Rất đơn giản, chỉ cần chiếc cuốc, thuổng, vợt, vài bó rơm khô để hun hoặc không có rơm thì thay bằng xô nước đổ vào hang cho chuột chui ra… Sau khi “tóm gọn”, chuột được bẻ răng ngay tại “hiện trường” trước khi cho vào những chiếc xiểng đan bằng tre. Nhưng quan trọng nhất vẫn là một chú chó thật tinh khôn. Chó dùng để “săn” chuột phải là giống chó mõm dài, tai nhọn và đánh hơi cực giỏi được chọn lựa, huấn luyện từ nhỏ. Ở Canh Nậu, người dân có tài huấn luyện chó săn hiếm nơi nào sánh được. Những chú chó này có khả năng đánh hơi, phát hiện hang chuột từ cách đó hàng vài chục mét. Chẳng thế mà dân “săn” chuột ở tận Hưng Yên, Bắc Ninh cũng tìm đến đây để mua lại chó của làng.

Trời về chiều, cánh đồng làng Canh Nậu mỗi lúc lại đông hơn, đây đó, những tốp người hì hụi đào hang, hun chuột. Dân “săn” chuột ở Canh Nậu có đủ các độ tuổi. Trẻ con lên mười đã theo người lớn ra đồng và có nhiều người ở cái tuổi “xưa nay hiếm” vẫn ham bắt chuột. Cụ Nguyễn Văn Kiên ở thôn 4 Canh Nậu kể lại như vậy. Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng thi thoảng cụ Kiên vẫn đi “săn” chuột cùng con cháu và coi đó là sự rèn luyện sức khỏe.

Đặc sản “ngựa phi trên sàng”

Cuối chiều, các thợ săn chuột trở về làng với những xiểng chuột đầy ăm ắp. Sau khi làm lông, mổ bụng, thui vàng, chuột được các bà, các chị khệ nệ bưng ra chợ bán. Chợ chiều Canh Nậu đông vui với đầy đủ các mặt hàng rau, củ, quả, thịt cá… song không khi nào thiếu vắng một hai mẹt thịt chuột. Người bán ra giá, người mua mặc cả, lựa chọn như mua thực phẩm hằng ngày. Có người nhìn mẹt chuột xếp nằm xấp, đều tăm tắp ví nó như đàn “chiến mã” đang tung vó. Chẳng thế mà, món chuột ở đây còn được gọi là món “ngựa phi trên sàng”. Ở Canh Nậu, mỗi cân thịt chuột sống bán được 50.000 đồng, còn chuột đã cạo sạch lông, thui vàng ươm, thơm lừng thì tiền gấp đôi. Nghe câu ca người làng truyền tụng: “Quanh năm bận rộn tứ bề/Có về vay nợ cũng gắng mà mua/Chuột đồng mõm ngắn bụng thon/Ướp sả rán giòn hấp với lá chanh” đủ biết dân Canh Nậu nghiện món ăn này như thế nào.

Chuột không chỉ bán ở chợ, chuột còn vào nhà hàng đặc sản. Gia đình anh Đỗ Đăng Thanh, ở đội 4 đã có thâm niên 8 năm làm nghề kinh doanh thịt chuột. Chẳng cần biển hiệu, nằm sâu trong con ngõ nhỏ, vậy mà trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ khoảng 60kg thịt chuột hơi, tính ra trung bình mỗi tháng cũng hơn một tấn. “Hằng ngày, quán tôi đón hàng chục khách nhậu trong làng và thập phương về. Có người còn cẩn thận gọi điện đặt trước dăm ngày” – anh Thanh chủ quán niềm nở cho biết. Bí quyết để có món thịt chuột ngon, người Canh Nậu thường chọn 3 loại chuột là chuột đồng, chuột bãi và chuột lai nhím. Những con chừng 2-3 lạng là ngon nhất. Từ con chuột, người ta có thể chế ra thực đơn lên tới hàng chục món khác nhau nào là sào, hấp, quay, om và nướng, luộc… ăn kèm với lá chanh và rau má. “Nhiều khách lạ chưa ăn chuột bao giờ nhìn thấy là kinh sợ, nhưng nếu ai đã ăn một vài lần là “nghiện” ngay. Chả thế mà quán tôi chẳng cần quảng cáo, biển hiệu gì mà khách mỗi ngày một thêm đông, cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá” – vị chủ quán này lý giải.

Người dân Canh Nậu vẫn tự hào rằng, nghề “săn” chuột làng mình thật là “nhất cử, tam tứ tiện”. Nó không chỉ làm món ăn, cải thiện cuộc sống mà còn là thú vui, diệt được nạn chuột phá hoại mùa màng đồng thời mang lại thêm thu nhập cho nhiều gia đình.

Nguồn: Chuột đồng Miệt vườn

Hình ảnh săn chuột tại Tịnh Biên – An Giang

Vây bắt chuột

Thành quả lao động cực nhọc

Hehe, tao nhỏ mà bắt được nhiều thứ nè

Ngồi làm dáng

Đi “ná” chuột đồng

Dân ná

Hoạt động săn bắt chuột ở Đồng Tháp Mười diễn ra quanh năm nhưng tập trung nhất là vào đầu mùa lũ. Khi nước tràn vào mặt ruộng, chuột đồng rút lên gò cao, sống nấp trong lau sậy um tùm hoặc làm tổ trên những thân cây tràm, cây gáo.

Người ta gọi hiện tượng này là nước lên, chuột lên! Hôm tôi về huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã nghe râm ran chuyện bủa lưới giăng câu và… săn bắt chuột! Vùng này nhiều diện tích đất canh tác trũng lại có nhiều gò cao giữa đồng hoang  đầy năn, đế, sậy, những khu rừng tràm bạt ngàn là nơi ẩn náu của loài chuột khi bị nước lũ “rượt”.

Dân bắt chuột ở Tháp Mười đã đạt đến mức chuyên nghiệp. Nghề bắt chuột cho thu nhập khá đồng thời cũng góp phần tiêu diệt bớt lũ chuột để qua vụ đông-xuân chúng đừng phá lúa… Ông Hai Kim, một lão nông ở xã Mỹ Hòa nói với tôi: “Đã vô mùa từ một tháng nay rồi. Trai tráng trong xóm bây giờ ban ngày vô đồng bắt chuột, chiều tối mới về nhà. Tụi nó làm rậm rịch vui lắm! Đứa nào cũng rủng rỉnh tiền từ nghề bắt chuột …”.

Cũng theo ông già Hai, bắt chuột mùa này ở vùng Đồng Tháp Mười có ba cách đơn giản mà độc đáo. Khi phát hiện chuột tập trung ở một gò đế, bờ sậy nào đó, người ta tiến hành bao lưới hoặc đăng tre xung quanh, có chừa những lỗ trống cài sẵn chiếc rọ. Xong xuôi rồi thả chó săn chuột vào “càn”  đồng thời dùng sào tre chọc vào bên trong. Nếu gặp những nơi cỏ quá dầy thì dùng “hỏa công”, chuột chỉ còn có nước chui đầu vào rọ.

Người bắt chuột bằng cách này được gọi là “dân dí” (dí cù). Họ thường trúng lớn, đôi khi chỉ một gò mà thu được hàng trăm con chuột. Cùng bắt chuột trên gò cao còn có “dân bẫy”. Đây là những người dùng bẫy sắt, bẫy tre đặt theo lối cỏ rạch sẵn. Bẫy thường được đặt vào ban đêm, cứ sáng sớm là người ta đến gỡ bẫy bắt chuột. Riêng cách bắt chuột của “dân ná” có phần độc đáo và phạm vi hoạt động rộng hơn. Họ dùng chĩa đâm chuột ở trong cỏ, trên cây, dưới nước…

Khi “dân ná” trổ tài

Tôi theo một nhóm “dân ná” ở Mỹ Hòa thử làm một chuyến săn chuột Đồng Tháp Mười. Nhóm có 7 người và 1 con chó, đi trên 2 chiếc xuồng nhỏ, chống men theo những con rạch dẫn vào đồng sâu. Út Trì, người đàn ông nhỏ con, đen đúa, lớn tuổi nhất trong nhóm nói với tôi: “Tao phân công chú mày làm thợ giữ rọng. Ở đây đứa nào cũng có việc hẳn hoi , ba thằng chạy dàn ngoài, ba thằng cùng với con chó là thợ bắt chính”.
Chiến lợi phẩm sau một chuyến đi săn chuột đồng

Không phải đợi lâu, sau gần 1 giờ chống xuồng, tôi chứng kiến ngay cảnh “dàn trận” bắt chuột đồng. Đầu tiên, con chó lùng sục phát hiện ra địa điểm có chuột – một bờ đất cặp theo cái đìa rộng có mấy cây gáo nhỏ bị bao phủ bởi dây leo. Thợ săn nhanh chóng cầm lấy chĩa sáu (6 mũi), sào, rọng chuột nhảy lên bờ. Họ đứng bao quanh khu đất trong thế sẵn sàng.

Anh thợ săn trẻ tên Minh đi cùng xuồng với tôi dùng sào chống xuồng rướn qua một rãnh nhỏ tiến vào đìa. Tay cầm sào, tay cầm chĩa, anh đứng tập trung quan sát. Trên bờ con chó gừ gừ cào cỏ, tiếng những người thợ săn la ó. Rồi… tũm… tũm, hai con chuột nhào từ trên bờ xuống đìa. Phập…, cây chĩa từ tay Minh nhanh chóng lao theo.

Lại nghe… phập… phập, tiếng mũi chĩa ăn vào cỏ, lá cây. Tôi chưa kịp quan sát và phát hiện ra chú chuột nào thì đã thấy những người thợ săn thu chĩa về, mỗi cây đều dính một chú chuột mình đầy máu, đầu ngoẹo một bên.

Tôi đã từng chứng kiến nông dân  Đồng Tháp Mười dùng chĩa đâm cá lóc trừng nước lớn “bá phát bá trúng” nhưng vẫn chưa đến độ tài ba như những người thợ săn chuột này. Bởi lẽ, cá lóc nổi lên mặt nước thường ở trạng thái cố định còn loài chuột đồng khi bị ruồng chúng chạy lung tung, rất nhanh nhẹn, thậm chí lặn trốn  dưới nước. Ấy vậy mà… kết thúc một cuộc “bố ráp” chưa đầy 15 phút, nhóm chúng tôi thu được 9 con chuột đồng béo nục, trong đó phần con chó ngoạm được 2 con.

Thấy tôi hết nhìn sản phẩm thu được, nhìn những cây chĩa rồi tấm tắc khen tài đâm chuột, những người thợ săn tỏ vẻ tự hào, anh Út Trì cười khà khà, cho biết: “Người ta gọi tụi tao là “dân ná” vì hồi trước, khi đi ruồng bắt chuột, có người đã dùng nạng giàn thun để bắn, dần dần dùng chĩa để phóng theo. Mấy tay mới vô nghề phóng “trật duộc” lắm! Làm riết rồi quen. Cái chính là phải tinh mắt quan sát kỹ, và mũi chĩa phải nhọn, cán chĩa phải vừa tay… chuột của tụi tao bắt được thường là “chết ngắc” nên phải mần thịt, đem ra chợ bán liền hoặc ướp sả ớt làm khô”.

Nguồn: Chuột đồng Miệt vườn

Bẩy chuột: 1 lồng bắt nhiều con chuột

Phóng sự chuyện Ông vua diệt chuột