Chuột Đồng Miệt Vườn

Cung cấp số lượng lớn Chuột đồng Miền Tây

Monthly Archives: Tháng Năm 2011

Làng “săn” chuột Canh Nậu

Chẳng biết từ bao giờ, vùng đất cổ Canh Nậu, huyện Thạch Thất đã tồn tại một nghề vừa bảo vệ mùa màng, vừa là “cần câu cơm” của nhiều gia đình – là nghề “săn” chuột. Cũng không ở nơi nào, thịt chuột lại trở thành món ăn “khoái khẩu” trong bữa cơm, bữa nhậu của nhiều người dân đến vậy.

Cả làng đi “săn” chuột

Nói về nghề “săn” chuột quê mình, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu Nguyễn Đức Tài cho biết: Xưa kia Canh Nậu chỉ có nghề làm ruộng nhưng hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện, mùa mưa đồng ruộng thường xuyên bị ngập úng, chỉ cấy được một vụ lúa. Thời gian nông nhàn, dân làng tổ chức hội hè, săn bắt cá, chuột kiếm sống. Khi đó, vào mùa mưa, các hang chuột đều bị ngập nước, chuột đồng lũ lượt kéo nhau lên các mô đất cao để ở. Lúc này thì dân làng chỉ việc quây rơm, đốt trụi cả gò đất nổi và sau đó đi lượm chuột thui. Sau này, người Canh Nậu bắt chuột quanh năm, nhưng “xôm” nhất là vào độ tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch). Đây cũng là lúc vụ mùa mới thu hoạch xong, chuột mẹ, chuột con béo tròn nung núc.

Thịt chuột được chế biến thành món ăn khoái khẩu ở xã Canh Nậu.

Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Đăng Soạn dẫn chúng tôi đi một vòng thăm những gia đình thường xuyên có người đi “săn” chuột. Họ đều không có nhà. “Có lẽ họ đã đi “săn” chuột cả rồi. Ở Canh Nậu có người coi bắt chuột là nghề kiếm sống. Hằng ngày họ đi khắp cánh đồng có khi đi xa nhà hàng chục cây số để “săn” chuột về bán. Nhưng cũng có người “săn” chuột chỉ để thỏa cái thú ham” – ông Soạn cho biết. Nằm ở đội 4, nhà anh Đỗ Đăng Thư có nghề làm mộc và cho thuê phông bạt, bát đũa. Công việc nhiều, song sau những ngày lao động mệt mỏi, những ngày mất điện không sản xuất được anh lại cùng anh em trong xóm đi “săn” chuột. Anh Thư cho biết: “Có ngày tôi bắt được cả yến chuột, về thịt ăn không hết đem chia bớt cho hàng xóm; nhưng cũng có ngày chẳng bắt được con nào. Cái thú “săn” chuột thành thói quen rồi, lâu lâu không vác cuốc đi bắt chuột là chân tay ngứa ngáy”.

Theo chân các trai làng đi “săn” chuột, chúng tôi được giới thiệu qua về quy trình. Bắt đầu là đồ nghề để “săn”. Rất đơn giản, chỉ cần chiếc cuốc, thuổng, vợt, vài bó rơm khô để hun hoặc không có rơm thì thay bằng xô nước đổ vào hang cho chuột chui ra… Sau khi “tóm gọn”, chuột được bẻ răng ngay tại “hiện trường” trước khi cho vào những chiếc xiểng đan bằng tre. Nhưng quan trọng nhất vẫn là một chú chó thật tinh khôn. Chó dùng để “săn” chuột phải là giống chó mõm dài, tai nhọn và đánh hơi cực giỏi được chọn lựa, huấn luyện từ nhỏ. Ở Canh Nậu, người dân có tài huấn luyện chó săn hiếm nơi nào sánh được. Những chú chó này có khả năng đánh hơi, phát hiện hang chuột từ cách đó hàng vài chục mét. Chẳng thế mà dân “săn” chuột ở tận Hưng Yên, Bắc Ninh cũng tìm đến đây để mua lại chó của làng.

Trời về chiều, cánh đồng làng Canh Nậu mỗi lúc lại đông hơn, đây đó, những tốp người hì hụi đào hang, hun chuột. Dân “săn” chuột ở Canh Nậu có đủ các độ tuổi. Trẻ con lên mười đã theo người lớn ra đồng và có nhiều người ở cái tuổi “xưa nay hiếm” vẫn ham bắt chuột. Cụ Nguyễn Văn Kiên ở thôn 4 Canh Nậu kể lại như vậy. Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng thi thoảng cụ Kiên vẫn đi “săn” chuột cùng con cháu và coi đó là sự rèn luyện sức khỏe.

Đặc sản “ngựa phi trên sàng”

Cuối chiều, các thợ săn chuột trở về làng với những xiểng chuột đầy ăm ắp. Sau khi làm lông, mổ bụng, thui vàng, chuột được các bà, các chị khệ nệ bưng ra chợ bán. Chợ chiều Canh Nậu đông vui với đầy đủ các mặt hàng rau, củ, quả, thịt cá… song không khi nào thiếu vắng một hai mẹt thịt chuột. Người bán ra giá, người mua mặc cả, lựa chọn như mua thực phẩm hằng ngày. Có người nhìn mẹt chuột xếp nằm xấp, đều tăm tắp ví nó như đàn “chiến mã” đang tung vó. Chẳng thế mà, món chuột ở đây còn được gọi là món “ngựa phi trên sàng”. Ở Canh Nậu, mỗi cân thịt chuột sống bán được 50.000 đồng, còn chuột đã cạo sạch lông, thui vàng ươm, thơm lừng thì tiền gấp đôi. Nghe câu ca người làng truyền tụng: “Quanh năm bận rộn tứ bề/Có về vay nợ cũng gắng mà mua/Chuột đồng mõm ngắn bụng thon/Ướp sả rán giòn hấp với lá chanh” đủ biết dân Canh Nậu nghiện món ăn này như thế nào.

Chuột không chỉ bán ở chợ, chuột còn vào nhà hàng đặc sản. Gia đình anh Đỗ Đăng Thanh, ở đội 4 đã có thâm niên 8 năm làm nghề kinh doanh thịt chuột. Chẳng cần biển hiệu, nằm sâu trong con ngõ nhỏ, vậy mà trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ khoảng 60kg thịt chuột hơi, tính ra trung bình mỗi tháng cũng hơn một tấn. “Hằng ngày, quán tôi đón hàng chục khách nhậu trong làng và thập phương về. Có người còn cẩn thận gọi điện đặt trước dăm ngày” – anh Thanh chủ quán niềm nở cho biết. Bí quyết để có món thịt chuột ngon, người Canh Nậu thường chọn 3 loại chuột là chuột đồng, chuột bãi và chuột lai nhím. Những con chừng 2-3 lạng là ngon nhất. Từ con chuột, người ta có thể chế ra thực đơn lên tới hàng chục món khác nhau nào là sào, hấp, quay, om và nướng, luộc… ăn kèm với lá chanh và rau má. “Nhiều khách lạ chưa ăn chuột bao giờ nhìn thấy là kinh sợ, nhưng nếu ai đã ăn một vài lần là “nghiện” ngay. Chả thế mà quán tôi chẳng cần quảng cáo, biển hiệu gì mà khách mỗi ngày một thêm đông, cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá” – vị chủ quán này lý giải.

Người dân Canh Nậu vẫn tự hào rằng, nghề “săn” chuột làng mình thật là “nhất cử, tam tứ tiện”. Nó không chỉ làm món ăn, cải thiện cuộc sống mà còn là thú vui, diệt được nạn chuột phá hoại mùa màng đồng thời mang lại thêm thu nhập cho nhiều gia đình.

Nguồn: Chuột đồng Miệt vườn

Hình ảnh săn chuột tại Tịnh Biên – An Giang

Vây bắt chuột

Thành quả lao động cực nhọc

Hehe, tao nhỏ mà bắt được nhiều thứ nè

Ngồi làm dáng

Chợ chuột lớn nhất Việt Nam

Đây là phiên chợ kỳ khôi ở An Giang, chuyên bán mấy “anh tý” phá hoại ruộng đồng mà nông dân trên khắp mọi miền hễ nghe tên là “sợ”.

“Chợ đầu mối” chuột của cả nước

Trên đường đưa tôi đến đại bản doanh của mấy “anh tý”, bác tài xe ôm tên Bình giọng hào hứng: “Chợ chuột Phù Dật tọa lạc tại ấp Bình Chiến, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Từ nơi đây, chuột “chạy” loạn xạ, chạy liên tỉnh, chạy xuyên quốc gia mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi với khối lượng ước tính khoảng 5 tấn/ngày.

Chuột được bày bàn như một loại thực phẩm thông thường

Chuột được bày bàn như một loại thực phẩm thông thường

Nằm bên dòng kênh Phù Dật rộng lớn ven Quốc lộ 91 đông người lại qua, chợ chuột diễn ra vô cùng nhộn nhịp. Trên bến dưới thuyền, cảnh vận chuyển, mua bán chuột  làm huyên náo cả một vùng quê.

Vừa đặt chân vào Phù Dật, chúng tôi gặp nhiều thanh niên khệ nệ, tíu tít ôm khiêng những chiếc lồng, giỏ sắt đựng đầy chuột đi nghênh ngang khắp mọi ngóc ngách.

Được cả làng tôn là “vua chuột” vì có thời gian gắn bó với nghề lâu và bắt được nhiều chuột nhất, anh Khánh Duy, kể chuyện: “Gia đình bên vợ vốn là khách hàng chung thủy của vựa chuột nhà tôi. Sau nhiều năm giao chuột, thấy bả (chị Thu Giang) nhanh nhẹn, tháo vát, tui kết.

Lấy nhau rồi, hai đứa đứng ra thuê xe tải thu gom chuột từ các tỉnh về Phù Dật. Đến nay tính ra cũng đã có 16 năm tuổi nghề rồi. Ngày cao điểm, vợ chồng tôi thu gom 2-3 tấn chuột là bình thường”.

Theo chị Mình, một trong những “đại gia” chuyên thầu chuột ở chợ: “Mức giá trung bình 20.000 đồng/kg chuột hơi là khoản thu lý tưởng thôi thúc ngày càng nhiều nông dân ở khắp Đồng bằng sông Cửu Long đổ xô săn chuột. Có nhiều người thậm chí vượt sang biên giới Campuchia tuyển chuột về”.

“Vua chuột” Khánh Duy từng có thời gian dài sống ở Campuchia, thành thạo tiếng bản địa và đường đi lối lại nên anh cũng thường xuyên sang tận Công Pông Chàm và thủ đô Phnôm Pênh để thu mua chuột. Anh bật mí mỗi ngày, mùa cao điểm (từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch), bạn hàng ở Campuchia cung cấp cho Phù Dật từ 1,5 – 2 tấn chuột sống.

Từ Phù Dật, chuột được xé lẻ lạ khắp các chợ nhỏ, hàng quán đặc sản trên khắp cả nước.

Cuộc sống trông cả vào… chuột

Dân xóm chuột cũng rành đặc tính của từng giống chuột, rành giá cả lên xuống nhưng khi hỏi thăm “Chợ có từ bao giờ?” thì chẳng ai trả lời cụ thể. Một bà cụ lúc đang mổ chuột thuê cho một chủ vựa bộc bạch: “Ông già tui trước cũng làm nghề này, bây giờ đám con cháu cũng gắn đời, sống nhờ chuột. Tính ra vùng này có ít nhớt 4 đời được chuột nuôi ăn nuôi lớn rồi đấy”.

Nếu khách có nhu cầu, người bán sẽ đập chết chuột giao cho bộ phận “hậu cần” mần thịt

Nếu khách có nhu cầu, người bán sẽ đập chết chuột giao cho bộ phận “hậu cần” mần thịt

Sau khi được gom về Phù Dật, chuột sẽ được làm thịt. Việc “mần” thịt chuột hoàn toàn thủ công. Người thợ kinh nghiệm có thể bắt đầu bằng việc loại đầu, tứ chi, rạch bụng, lột da, bỏ ruột và làm sạch hoàn tất một con chỉ trong vòng chưa đầy một phút.

Chị Bình, một “công nhân” chuyên mổ chuột, tâm sự: “Nghề này thu nhập không cao nhưng được cái quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có việc làm. Thu nhập của dân mổ chuột không phải tính ký mà tính con. Tụi em làm ăn theo sản lượng, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Dân chuyên làm thịt chuột như em kiếm mỗi ngày bốn, năm chục ngàn. Cũng sống được”.

Thu nhập của dân săn chuột cao hơn dân mổ chuột rất nhiều. Ông Sáu Xẹm, có thâm niên hơn 20 năm rập chuột, cười khà khà khi nói về thu nhập: “Ai có sức khỏe, có kinh nghiệm và chịu khó thì một ngày thu vô vài ba trăm ngàn dễ như cạn ly rượu đế”.

Tính, một thợ săn chuột sau khi rít điếu thuốc cháy dở  e hèm: “Lúc chuột vãn mùa (mùa lũ, chuột rủ nhau “di cư” sang các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn hoặc các vùng có nhiều đê bao), nếu có sức chạy theo nó thì thu nhập khá lắm. Khổ nổi chạy theo chuột cực lắm”.

Chuột chữa lang ben, hắc lào

Trưởng “ấp chuột” Bình Chiến, ông Nguyễn Duy Lộc cho biết, chợ chuột Phù Dật nói riêng và làng chuột Phù Dật nói chung có tổng cộng 670 hộ dân, trong đó đã có trên 300 hộ chuyên sống bằng nghề săn bắt, mua bán, hoặc làm thịt chuột. Nhờ chuột mà tỷ lệ hộ nghèo cần giúp đỡ ở địa phương hầu như không đáng kể.

Nghề “làm chuột” giúp giải quyết nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ địa phương

Nghề “làm chuột” giúp giải quyết nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ địa phương

Với cư dân chợ chuột, chuột là đặc sản, tuy có “nhan sắc” gớm giếc nhưng nếu biết chế biến sẽ cho ra những món ngon nhớ đời như chuột luộc cơm mẻ, chùa khìa nước dừa, chuột nướng lu, chuột trộn mít non…

Người làng chuột còn truyền nhau bài thuốc “gia truyền” chữa lang ben, lác, hắc lào từ thịt chuột cống lang rất hiệu nghiệm, chỉ cần  chế biến tùy thích và ăn vào là khỏi?!

Nhiều du khách khi đến tham quan Phù Dật thường tìm đến các quán đặc sản chuột thưởng thức món “chuột trinh nữ kén chồng”. Để làm món này, đầu bếp chọn ra những nàng chuột non tơ, làm thịt và ướp thịt với các gia vị.

Tiếp đó, lần lượt cho nấm mèo, thịt heo ba chỉ, gan heo, đậu xanh nguyên vỏ dồn vào bụng chuột rồi khâu lại. Công đoạn cuối cùng là chiên cho thật vàng rồi sắp vào nồi đất, đổ nước dừa tươi lấp xấp nấu cho đến khi sền sệt. Món ăn hoàn tất có hương vị thơm ngon, béo ngậy.

Nguồn: Chuột đồng Miệt vườn

Đi chợ chuột Bình Long

“Chợ chuột đồng” ở ấp Bình Thắng, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang hình thành cách đây đã hơn 40 năm qua và trở thành chợ chuột nhộn nhịp nhất ĐBSCL.

Chợ chuột đồng Bình Long của huyện Châu Phú, tỉnh An Giang là một trong những chợ lạ và độc đáo nhất đồng bằng sông Cửu Long bởi chợ này chỉ bán toàn thịt chuột đồng. Đây cũng là chợ đầu mối, chuyên cung cấp chuột giá sỉ cho bạn hàng bán chuột ở các chợ khác trong vùng…

Ở một số chợ khác cũng có người bán chuột, nhưng không nhiều và tập trung thành một xóm nghề như ở chợ chuột Bình Long này.

Chợ chuột Bình Long

Hỏi thăm về lịch sử hình thành chợ chuột này, những người chuyên nghề bắt chuột lâu năm cho biết, chợ chuột bắt đầu từ vài gia đình trong xóm đi bắt và bán chuột thịt từ mấy chục năm trước, khi mà vùng này được khai hoang và canh tác lúa mùa, mỗi năm 1 vụ, vì vùng này, vào mùa lũ, nước ngập như sông… Lúc đó, chuột đồng xuất hiện và phát triển nhanh, phá hại lúa rất nhiều nên bà con trong xóm nghĩ ra nhiều cách đi bắt chuột đồng, vừa để ăn, vừa để bán.

Một công, nhưng hai, ba chuyện có lợi. Thịt chuột vừa ngon, vừa rẻ, bổ sung thêm đạm cho bữa ăn, vừa mang lại nguồn thu nhập, lại vừa tiêu diệt được mầm mống gây hại hoa màu của nhà nông…Vậy là nghề săn bắt và mua bán chuột chuyên nghiệp hình thành ở cái ấp nhỏ nằm dọc dòng kênh Phù Dật này. Từ đó đến nay đã hơn 50 năm.

Bất kể già hay trẻ, thanh niên, phụ nữ… ai cũng tham gia làm chuột được vì công việc khá đơn giản từ khâu đập chuột, chặt bỏ đầu đuôi, lột da và ướp đá giữ lạnh… Mỗi ngày, người dân xung quanh chợ chỉ cần chờ xe chuột về để làm vài tiếng đồng hồ là có được vài chục ngàn đồng. Ngày nào cũng vậy, khoảng 1 giờ chiều và 7 giờ tối là giờ các xe tải đưa chuột từ các nơi về, chợ lại nhộn nhịp suốt đêm để kịp ướp đá và chuyển đi cho thịt được tươi ngon. Giá thịt chuột dao động từ 30 – 50.000 đồng/ký.

Ít có ai tin rằng, nhiều gia đình ở chợ chuột đã sắm được xe tải để đi chở chuột từ Kiên Giang, Cà Mau, biên giới Campuchia. Trung bình mỗi ngày, sức tiêu thụ của chợ khoảng từ 3 – 4 tấn. Cao điểm, có khi 7 – 8 tấn một ngày. Hiện tại, có khoảng 20 xe gắn máy – bà con gọi là “xe đầu”- chuyên đi chở thuê chuột về chợ. Mỗi xe chở được khoảng 200 ký chuột…

Săn bắt chuột đồng làm món ăn vừa là biện pháp diệt trừ sinh vật gây hại ruộng đồng vừa thể hiện nét văn hóa độc đáo lưu truyền từ thuở cha ông ta khai cơ, lập nghiệp. Giờ đây, bắt chuột lại trở thành một nghề sinh sống cho cả một xóm nghề và khu chợ.

Bà con cho biết, khu vực này có rất nhiều chuột vì ngày nay, các đồng lúa vùng biên giới nước ta trồng đến 3 – 4 vụ một năm. Bên nước bạn Campuchia, hầu hết người dân chỉ trồng lúa mùa. Hết mùa lúa, chuột di cư sang biên giới tìm thức ăn. Một nguyên nhân khác là do dòng sông Mê Kong bị các quốc gia đầu nguồn ngăn đập, mùa lũ năm vừa qua, nước không về nhiều nên chuột sinh sôi rất nhanh. Chúng vượt qua những dòng kênh biên giới, bơi qua sông ào ạt như “vịt chạy đàn” khiến cho nông dân ở vùng biên giới Hà Tiên, Giang Thành…tổn thất khá nhiều.

Một nghề mới cũng hình thành vài năm qua trong chợ chuột Bình Long là nghề làm bẫy chuột mà bà con gọi là “ rập chuột”. Ở chợ chuột Bình Long hiện có khoảng 4 hộ chuyên sản xuất loại bẫy chuột bằng lưới kẽm. Mỗi ngày, một gia đình có thể làm hơn 400 lồng nên thu nhập khá ổn định.

Từ những đoàn người đi ghe bắt chuột đường xa, đến đoàn xe tải, xe “đầu” chở chuột và những người chuyên làm thịt chuột…tổng công có hơn hai trăm người tham gia lao động và thu nhập ổn định ở chợ chuột Bình Long, góp phần giải quyết khá tốt số lao động dư thừa ở địa phương.

Thịt chuột đồng là một trong những món ăn ngon thuộc vào loại “đặc sản” của ĐBSCL. Nguồn thức ăn chính của chuột đồng là lúa gạo và hoa màu theo mùa vụ của bà con nông dân. Vì vậy, chuột đồng chỉ có 2 loại là chuột cơm và chuột cống nhum. Chuột cơm có lông hơi vàng, đượm màu lúa chín. Còn chuột cống nhum to gấp 3 lần chuột cơm, lông đen mượt, nhưng thịt không ngon bằng chuột cơm…

Trong những món ăn Trung Quốc thời xưa có món “sâm thử”, tức là chuột con được nuôi lớn bằng sâm để làm món ăn cho vua chúa. Ngày nay, chuột là món ăn bình dân có ở khắp đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn : Chuột đồng Miệt vườn

Chợ chuột miền Tây mùa lũ không về

Năm nay lũ không về, các cánh đồng miền Tây không ngập nước nên chuột đồng đào hang theo ruộng vườn sinh sôi nhanh chóng. Cá không về theo lũ mất nguồn lợi không nhỏ, vậy là bà con chuyển sang… bẫy chuột.

Chuột bị bẫy sau đó được các mối lái gom về cung ứng cho các vựa chuột. Các chủ vựa phân loại chuột lớn chuột nhỏ rồi chuyển tới các nhà hàng, quán nhậu ở TP.HCM, TP Cần Thơ, còn chuột chết bán cho các hộ nuôi trăn với giá khá rẻ.

Xóm Chuột quá quen với tiếng chuột kêu chí chóe. Ngày nào cũng thấy các ồng nhốt chuột xếp dài dài theo con đường quê trong xóm – Ảnh: Thành Vĩnh

Ở miền Tây có hàng chục vựa chuột, nhưng nổi danh nhất vẫn là vựa chuột ấp Bình Chiến, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Xóm này có hơn 300 hộ sống bằng nghề chuột như thu mua chuột, săn chuột, làm thịt chuột, riết người đời gọi là xóm Chuột hay chợ Chuột.

Tại đây, từ em bé 8 tuổi cho đến người già dù nam hay nữ đều rất điệu nghệ trong việc “hóa kiếp” chuột. Hằng ngày xe tải, xe gắn máy ra vào tấp nập thu mua chuột trên con đường quê này.

Ước tính mỗi ngày xóm Chuột vừa tiêu thụ vừa cung ứng cho thị trường 5-7 tấn chuột. 1 kg chuột hiện có giá 33.000-48.000 đồng tùy chuột lớn hay nhỏ. Một lao động làm thịt chuột kiếm được 60.000-120.000 đồng/ngày.

Năm nay dịch heo xanh bùng phát, thịt chuột được người tiêu dùng quan tâm nên xóm Chuột lúc nào cũng nghe tiếng chuột chí chóe, tiếng dao thớt khua lách cách. Anh Duy Khánh – chủ vựa chuột lớn nhất xóm Chuột, cho biết chợ Chuột mở quanh năm, chỉ nghỉ ba ngày Tết cổ truyền.

Theo kinh nghiệm của anh Khánh, mùa lũ lớn thịt chuột không ngon vì lúc này đồng ruộng ngập nước nên chuột chui rúc lên cây cao trốn, không tìm được thức ăn nên chúng còm nhom. Còn năm nào lũ thấp các cánh đồng không ngập nước chuột có cái ăn, đào hang trú ẩn nên béo ú, thịt ngon.

Ngày nào anh Lê Văn Kiên cũng chở chuột giao cho xóm Chuột. Một ngày chở chuột đi giao anh kiếm lời 100.000 đồng. Công việc ổn định nên anh bỏ luôn nghề xe ôm – Ảnh: Thành Vĩnh
Phụ nữ và trẻ em có thu nhập ổn định từ nghề làm thịt chuột. Họ nói vui: hôm nào còn tanh rình mùi chuột là có tiền, còn thơm tho dài dài là… đói – Ảnh: Thành Vĩnh